Khủng hoảng năng lượng toàn cầu đẩy giá nhôm vượt mốc 3.100 USD/tấn
Nhôm, kim loại được sử dụng trong mọi thứ từ lon bia đến iPhone, tiếp tục vượt mốc 3.100 USD/tấn, mức cao chưa từng thấy kể từ giữa năm 2008 khi cuộc khủng hoảng năng lượng tại Trung Quốc, Châu Âu và Ấn Độ lan rộng gây ra sự gián đoạn về nguồn cung.
Kết thúc phiên giao dịch tuần trước trên Sàn giao dịch London LME (Anh), kim loại này đã tăng 7% so với 1 tuần trước đó, đạt mức 3.170 USD/tấn, mức cao nhất kể từ tháng 7/2008, dẫn đầu mức tăng chung của các kim loại cơ bản.
Giá nhôm thế giới đã tăng hơn 60% vượt mốc 3.100 USD/tấn trong năm 2021 (Ảnh: Bloomberg)
- Cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu
Làn sóng cắt giảm nguồn cung kim loại đang lan rộng từ Trung Quốc, Ấn Độ sang Châu Âu, xuất phát từ cuộc khủng hoảng năng lượng lan rộng khắp toàn cầu do tình trạng thiếu hụt từ khí tự nhiên đến than đá và dầu mỏ, gây thiếu điện và làm tăng giá điện, đẩy chi phí sản xuất kim loại tăng mạnh. Các kho dự trữ khí đốt tự nhiên của các nước đã cạn kiệt trong khi lo ngại về một mùa đông lạnh giá ở Bắc bán cầu đang thúc đẩy sự cạnh tranh gay gắt giữa những người mua ở châu Âu, châu Á và Bắc Mỹ trong cuộc chạy đua để có được nguồn năng lượng để bổ sung vào kho dự trữ kịp cho mùa đông tới.
Coal India, tập đoàn sản xuất than lớn nhất thế giới, cắt giảm nguồn cung than cho ngành nhôm, thép (Ảnh: Reuters)
Ngành nhôm là ngành tiêu thụ rất nhiều điện và đà tăng của giá điện rõ ràng đang gây áp lực lên hoạt động sản xuất của ngành này. Theo các chuyên gia trong ngành, để sản xuất 1 tấn nhôm, các nhà máy cần phải dùng 14 MWh điện năng, mức năng lượng đủ để một ngôi nhà bình thường tại Anh vận hành trong hơn ba năm. Nếu coi ngành công nghiệp sản xuất 65 triệu tấn nhôm mỗi năm là một quốc gia, thì đất nước này sẽ tiêu thụ điện lớn thứ năm trên thế giới.
Điều này có nghĩa nhôm sẽ là một trong những mục tiêu đầu tiên trong nỗ lực hạn chế điện năng tiêu thụ của Trung Quốc. Ngoài ra, ngay cả khi cuộc khủng hoảng năng lượng hiện tại được giải quyết, Bắc Kinh cũng áp giới hạn về công suất sản xuất nhôm để kìm hãm lượng khí thải và điều này có thể gây ra sự thiếu hụt nguồn cung nhôm trên toàn cầu. Giữa bối cảnh giá năng lượng tăng mạnh ở châu Á và châu Âu, nguồn cung nhôm nhiều khả năng sẽ thiếu hụt trầm trọng hơn nữa và giá nhôm sẽ còn tăng cao hơn nữa.
Nhà sản xuất nhôm Hà Lan Adel cắt giảm sản lượng vì giá điện quá cao (Ảnh: aldel.nl)
Hàng loạt nhà máy sản xuất nhôm tại Trung Quốc bị tạm ngưng hoạt động, Mark Hansen, Giám đốc điều hành tại Concord Resources, cho biết. Trong khi đó, các nhà sản xuất nhôm tại châu Âu cũng đối mặt với mức giá điện cao ngất ngưỡng – qua đó bào mòn biên lợi nhuận và thôi thúc các nhà máy này giảm bớt sản xuất. Nhà sản xuất nhôm Hà Lan Aldel thông báo sẽ cắt giảm sản lượng 60-70% ở nhà máy Delfzijl vì giá điện quá cao. Tại Ấn Độ, Coal India, doanh nghiệp sản xuất nhiều than nhất thế giới và chiếm tới trên 80% sản lượng mặt hàng này của Ấn Độ, không thể đáp ứng được nhu cầu tăng vọt của thị trường. Mới đây, Coal India thông báo sẽ tạm ngừng cung cấp than cho tất cả các đối tác khác ngoại trừ các nhà máy điện. Vì vậy, ngành nhôm nước này đang rơi vào bế tắc trước quyết định của Coal India. Nhập khẩu than hiện tại là bất khả thi vì giá toàn cầu đang rất cao.
- Doanh nghiệp nhôm trong nước cần chủ động các phương án dự phòng
Trước tình hình giá nguyên liệu nhôm thế giới tăng mạnh và diễn biến phức tạp, các doanh nghiệp sản xuất nhôm trong nước cần khẩn trương chuẩn bị các nguồn nguyên liệu dự phòng để sử dụng dài hạn, nhằm hạn chế các biến động mạnh đến thị trường nhôm trong nước.
Doanh nghiệp nhôm trong nước tăng kho dự trữ nguyên liệu trước biến động thế giới (Ảnh: Nhà máy Nhôm Dinostar – Công ty Cổ phần Nhôm Ngọc Diệp)
Với áp lực chi phí đầu vào cho sản xuất tăng cao, Nhà máy Nhôm Dinostar của Công ty Cổ phần Nhôm Ngọc Diệp chủ động tối ưu các giải pháp vận hành sản xuất để tiết giảm chi phí nhằm ổn định giá thành sản phẩm để chia sẻ gánh nặng với người tiêu dùng, khách hàng và đối tác.
- Giá nhôm được dự đoán tiếp tục tăng mạnh
Mùa đông đang đến gần dự kiến sẽ làm trầm trọng hơn cuộc khủng hoảng năng lượng, ngân hàng ANZ dự báo giá điện cao và khả năng thiếu hụt điện kéo dài sẽ ảnh hưởng đến cung của mặt hàng các kim loại trong những tháng tới.
Giá nhôm dù đã tăng hơn 60% trong năm nay, nhưng giới đầu tư cho rằng giá kim loại này thậm chí sẽ còn tăng mạnh hơn nữa. Theo thông tin từ trang tin Bloomberg, trong vài tuần gần đây, một số nhà đầu tư thậm chí mua quyền chọn mua với giá thực hiện lên tới 4.000 USD/tấn, cao hơn rất nhiều so với mức hiện tại và là mức cao nhất mọi thời đại.
Giá nhôm sẽ tiếp tục bị đẩy cao trong năm 2022 do hạn chế nguồn cung tại Trung Quốc (Ảnh: Financial Times)
Chưa dừng lại ở đó, các chuyên viên phân tích cho rằng kim ngạch xuất khẩu nhôm của Trung Quốc có thể bị tác động. Khi mà sản xuất nhôm trong nước gặp áp lực trong khi nhu cầu bùng nổ, Trung Quốc phải nhập khẩu nhôm với số lượng lớn hơn bao giờ hết. Trong khi đó, các công ty Trung Quốc vẫn xuất khẩu lượng lớn nhôm bán thành phẩm, vì được hỗ trợ một phần từ các khoản hoàn thuế. Các nhà phân tích bao gồm ngân hàng Goldman Sachs cho rằng có khả năng Bắc Kinh sẽ giảm hoặc bỏ các khoản hoàn thuế đối với xuất khẩu để làm chậm dòng chảy kim loại ra khỏi biên giới. Trong năm 2022, Trung Quốc có khả năng tiếp tục nhập khẩu lượng lớn nhôm và điều này có thể đẩy cả thế giới vào tình trạng thiếu hụt nhôm trầm trọng và khiến giá tăng vọt. Ngoài ra, giá nhôm còn bị đẩy cao hơn sau khi EU áp thuế chống bán phá giá đối với nhôm cán phẳng từ Trung Quốc.
“Thị trường kim loại toàn cầu vào năm 2022 sẽ bị thu hẹp ở mức độ chưa từng có”, Eoin Dinsmore, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu sản phẩm và cơ bản về nhôm tại CRU cho biết. “Phần còn lại của thế giới không thể bù đắp đủ cho sự thiếu hụt của Trung Quốc”.
Theo Reuters, Bloomberg